Hành đạo Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Nơi thờ cúng trong nhà của một tín đồ đạo Hiếu Nghĩa tại Ba Chúc

Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch tại núi Tượng (1890), đạo Hiếu Nghĩa không có người kế vị, các mối đạo đều giao cho ông Trò, ông Gánh[6] phụ trách. Không lâu sau, một số ông Gánh rời vùng Thất Sơn đi các nơi khác truyền đạo. Vì vậy, đạo Hiếu Nghĩa hình thành hai hệ thống: Một hệ thống được duy trì ở các làng được coi là thánh địa của đạo Hiếu Nghĩa như: An Định, An Hòa, An Thành, An Lập thuộc vùng Thất Sơn (An Giang). Tín đồ ở các làng này được gọi là tín đồ nội thôn (hiện nay có 24 Gánh). Hệ thống thứ hai là tín đồ ở những nơi mà các ông Gánh đi truyền đạo như Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu... hệ thống này được gọi là ngoại thôn (hiện nay có 15 Gánh).

Theo luật của đạo, chỉ có ông Gánh (tức trưởng Gánh) mới có quyền thu nhận tín đồ, nhưng không quá cách biệt giữa giáo phẩm (ông Trò, ông Gánh) và giáo dân (tín đồ). Người tín đồ ngoài việc hành xử theo "Tứ trọng ân" và "Thập nhị giáo điều" (còn được gọi "Thập Nhị lệ sự"), còn phải lễ lạy (vào hai thời: sáng từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, và chiều từ 5 giờ đến 7 giờ tối), công phu (tụng kinh có chuông mõ. Kinh đọc được rút ra từ bộ "kinh Siêu độ" của đạo) và niệm pháp (lần chuỗi bồ đề).

Trong nhà của tín đồ thờ nhiều thứ, như: trên cùng thờ Quan Thánh, bên dưới thờ Hội đồng gồm Phật, Thánh, Tiên. Dưới nữa thờ Thập Vương, bàn Hộ pháp Vi Đà. Bên trái thờ Cửu phẩm, bên phải thờ Tam giáo v.v...Trước cửa nhà tín đồ có bàn thờ thông thiên hai tầng, tầng trên thờ "Chánh đức thiên La thần" và tầng dưới thờ "Thổ Trạch Long thần".

Và trong nền đạo Hiếu Nghĩa, "sự thờ cúng" được coi là nguồn ân phúc thiêng liêng, giúp tín đồ tăng thêm lòng chánh tín, lấy hình thức chuyển vào nội tâm, đem nghi lễ hướng con người đến việc thực thi phúc lợi chân chánh.

  • Cúng Phật: bằng hương, đăng, hoa, trà, quả, các món chay. Phẩm cúng có ý nghĩa nhất là ngọt (chè xôi nước) và dẻo (xôi nếp)...
  • Cúng Thần: vật phẩm như cúng Phật, có thêm món cá, không được cúng các thức ăn từ thịt ngoài loài thủy tộc.
  • Cúng giỗ người mất: vật phẩm như cúng Thần.

Ngoài ra, tín đồ còn phải thường tham gia các lễ cúng chính ở chùa miếu, thành tâm cầu nguyện cho quốc thới dân an, cầu cho ông bà tổ tiên được siêu thăng tịnh độ v.v...